Khủng hoảng tuổi lên 1 là một giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ, đánh dấu sự thay đổi lớn trong hành vi, tâm lý và khả năng nhận thức. Trong bài viết này, Dawn Bridge sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ về khủng hoảng tuổi lên 1 ở trẻ để giúp cha mẹ ứng phó hiệu quả, đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng và tích cực.
Hiểu rõ khủng hoảng tuổi lên 1
Khủng hoảng tuổi lên 1 là một giai đoạn phát triển bình thường và quan trọng của trẻ nhỏ, đánh dấu sự thay đổi lớn về thể chất, tâm lý và nhận thức. Đây là lúc trẻ bắt đầu khám phá thế giới xung quanh và thể hiện sự độc lập, nhưng đồng thời cũng là lúc trẻ gặp nhiều bỡ ngỡ và khó khăn trong việc thích nghi với những thay đổi này.
- Sự phát triển thể chất: Trẻ 1 tuổi đã có thể đứng, đi, thậm chí chạy, tự khám phá môi trường xung quanh và thể hiện sự tò mò. Nhu cầu vận động và khám phá của trẻ tăng cao, khiến trẻ thường xuyên nghịch ngợm, muốn tự làm mọi thứ.
- Sự phát triển tâm lý: Trẻ bắt đầu nhận thức được bản thân, muốn thể hiện ý chí và mong muốn độc lập. Trẻ ý thức được những gì mình muốn và không muốn, thể hiện sự bướng bỉnh, không nghe lời khi không được đáp ứng.
- Sự phát triển ngôn ngữ: Trẻ bắt đầu học nói, nắm bắt ngôn ngữ, nhưng khả năng diễn đạt còn hạn chế. Điều này khiến trẻ khó khăn trong việc truyền đạt suy nghĩ và mong muốn của mình, dẫn đến sự bực bội, quấy khóc.
- Sự thay đổi trong nhu cầu: Trẻ cần nhiều sự quan tâm, chăm sóc, chơi đùa và giao tiếp hơn trước. Trẻ muốn được đáp ứng nhu cầu của mình một cách nhanh chóng, cảm thấy bực bội và bất an khi không được chú ý.

Khủng hoảng tuổi lên 1 có biểu hiện như thế nào?
Tất cả những thay đổi này tạo nên một “cuộc khủng hoảng” nhỏ trong tâm trí của trẻ, khiến trẻ có những biểu hiện bất thường chẳng hạn như:
- Dễ cáu gắt, khóc lóc thường xuyên: Ở giai đoạn này, trẻ dễ bực tức khi không được đáp ứng nhu cầu. Chúng có thể la hét, ném đồ hay giận dữ khi không được làm theo ý mình.
- Biếng ăn: Việc mải mê khám phá thế giới xung quanh khiến trẻ quên ăn. Khi cho trẻ ăn, trẻ có thể lắc đầu từ chối và nhè thức ăn ra ngay cả khi đó là món trẻ vẫn thích ăn trước đây.
- Bám cha mẹ hoặc người chăm sóc: Trẻ có thể khóc hoặc căng thẳng khi thấy bố mẹ đi ra chỗ khác và có nhiều người lạ vây quanh. Lúc này, trẻ luôn cần mẹ hoặc người thân ở trong tầm mắt.
- Tâm trạng thay đổi thất thường: Tâm trạng của trẻ thay đổi một cách bất thường. Trẻ có thể thích một cái gì đó rồi nhanh chán hoặc chuyển từ đang khóc sang cười một cách nhanh chóng. Trẻ cũng thường bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của người khác.
- Khóc đêm: Những biến động trong cơ thể khi bé bước sang 1 tuổi có thể khiến bé sợ hãi và căng thẳng, dẫn đến ngủ không ngon giấc. Với những trẻ chưa có khả năng tự ngủ tình trạng này càng trở nên khó khăn hơn. Khi trẻ vui chơi quá nhiều vào ban ngày, hệ thần kinh chưa kịp xử lý các kích thích mạnh, trẻ có thể gặp ác mộng, quấy khóc. Và tình trạng khóc đêm diễn ra cũng có thể do thiếu chất dinh dưỡng hoặc gặp các bệnh lý như rối loạn tiêu hóa, sốt, mọc răng khi bé 1 tuổi.

Một số cách xử lý khủng hoảng tuổi lên 1 ở trẻ
Giao tiếp hiệu quả
Hãy thông báo trước cho trẻ về những sự việc sắp diễn ra, việc này sẽ giúp trẻ chuẩn bị tâm lý và tăng cường nhận thức về những gì sắp diễn ra. Hoặc khi cần rời đi, hãy nói với trẻ là cha mẹ sẽ đi một lúc rồi quay lại. Trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 1 ở trẻ, cha mẹ hãy sử dụng những ngôn ngữ nhẹ nhàng để giao tiếp với trẻ bởi chúng đang bắt đầu bắt chước lời nói của người lớn.
Tạo môi trường thân thiện cho trẻ
Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu tò mò và khám phá mọi thứ. Cha mẹ hãy loại bỏ những vật có thể gây nguy hiểm ra ngoài tầm nhìn của trẻ, che chắn nhưng khu vực nguy hiểm như ổ điện, cầu thang, hóa chất tẩy rửa,… Thay vào đó, hãy chuẩn bị cho con những đồ chơi phù hợp với độ tuổi, kích thích sự tò mò, khả năng vận động và chú ý là luôn quan sát khi trẻ chơi. Tạo cho trẻ không gian an toàn để trẻ tự do leo trèo và chạy nhảy. Cha mẹ hãy cố gắng dành nhiều thời gian tương tác với trẻ ở giai đoạn này.

Lên một lịch trình sinh hoạt phù hợp và nhất quán
Cha mẹ cần lên lịch sinh hoạt cụ thể, bao gồm cả nhiệm vụ hàng ngày và thời gian cho các hoạt động vui chơi bên ngoài. Việc rèn luyện thói quen ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ và đều đặn sẽ giúp trẻ duy trì tình trạng sức khỏe tốt nhất. Trong giai đoạn khủng hoảng này, hãy khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vui chơi khám phá ngoài thiên nhiên sẽ giúp trẻ phát triển thể chất và tinh thần một cách toàn diện.
Kết luận
Khủng hoảng tuổi lên 1 là một giai đoạn phát triển quan trọng. Đây là lúc trẻ bắt đầu khám phá thế giới xung quanh và thể hiện sự độc lập, nhưng cũng là lúc trẻ gặp nhiều bỡ ngỡ và khó khăn trong việc thích nghi với những thay đổi này. Hãy nhớ rằng, sự kiên nhẫn và đồng hành của cha mẹ là chìa khóa giúp trẻ phát triển toàn diện, vững vàng bước vào những giai đoạn phát triển tiếp theo. Khủng hoảng tuổi lên 1 không phải là dấu hiệu bất thường, mà là một phần tất yếu trong hành trình trưởng thành của trẻ.
Đọc thêm:
- Hội Chứng Sợ Đám Đông Ở Trẻ Và 4 Bí Quyết Giúp Trẻ Tự Tin
- Mách Mẹ 10+ Phương Pháp Phát Triển Tư Duy Cho Trẻ
- Phương Pháp Giáo Dục Hành Vi Cho Trẻ Tăng Động Giảm Chú ý
Nguồn tham khảo:
- Solovieva, Y. and Quintanar, L. (2021) The first year developmental crisis: Origin of cultural action, Frontiers in psychology.
-
Châu, N. T. L. (n.d.). Khủng hoảng tuổi lên 1 ở trẻ: Phụ huynh nên làm gì? Nhà thuốc Long Châu.
Bài viết từ Dawn Bridge cung cấp thông tin không thay thế cho lời khuyên y tế. Chúng tôi khuyến khích bạn nói chuyện với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn (bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký, dược sĩ, v.v.) về mối quan tâm của bạn, các câu hỏi về hoặc việc sử dụng thực phẩm bổ sung và những gì có thể tốt nhất cho sức khỏe tổng thể của bạn. Bất kỳ đề cập nào trong thông tin này về một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể hoặc khuyến nghị từ một tổ chức hoặc hiệp hội nghề nghiệp đều không thể hiện sự chứng thực của Dawn Bridge về sản phẩm, dịch vụ hoặc lời khuyên chuyên môn đó.